Tranh màu nước có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm, gắn liền với sự phát triển văn hóa của loài người. Những bức tranh được vẽ bằng màu nước đem lại ấn tượng về sự thân thuộc, gần gũi và giản dị, giúp người yêu nghệ thuật như được sống trong một chiều không gian khác.
Những dụng cụ cần thiết để học vẽ tranh bằng màu nước
Màu nước được hình thành do các sắc tố màu hòa tan vào nước tạo nên những dung dịch có màu sắc. Màu nước là chất liệu hội họa phổ biến dùng để vẽ tranh trên vải hoặc trên giấy. Những người muốn học vẽ tranh bằng màu nước cần trang bị cho mình những kiến thức bố cục, bảng màu, sắc độ màu, chất liệu sử dụng để vẽ. Cùng Brocanvas tìm hiểu về cách vẽ tranh màu nước.
Ngoài ra để học vẽ tranh thì bạn cũng cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như sau:
-
Màu nước: Loại màu vẽ phổ biến nhất ở Việt Nam là Leningrad với bảng màu phong phú, sắc màu tươi tắn, dễ phối màu. Một loại màu khác cũng tương đối tốt, dễ sử dụng sản phẩm Holbein Artists’ Watercolor (Nga)…
-
Giấy dùng để vẽ màu nước chuyên dụng: Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể chọn giấy nhám, giấy vân Rough, giấy vân Cold-pressed, vân Hot-pressed… để vẽ tranh. Tuy nhiên với người mới học vẽ thì nên dùng giấy vân Cold-pressed vì có thể vẽ cả chi tiết nhỏ lẫn tô mảng màu lớn, dễ sửa sai, phù hợp với mọi kiểu tô màu và mọi loại màu nước.
-
Bút vẽ: Bút vẽ màu nước thường loại bút lông tự nhiên có độ bền cao, đầu lông mềm, khó bị biến dạng do tác động của hóa chất vẽ hay lực tác động vẽ. Khi bút bị biến dạng chỉ cần ngâm đầu bút vào hồ, vuốt lại và phơi khô. Khi cần dùng ngâm đầu bút vào nước ấm là có thể sử dụng được.
-
Cọ, khăn giấy.
-
Nước tinh khiết.
Dù có phải là người có hoa tay hay năng khiếu nghệ thuật hay không, thì chỉ cần có niềm đam mê với tranh vẽ màu nước là các họa sĩ nghiệp dư cũng có thể tạo nên những bức họa có phong cách riêng.
Những kỹ thuật vẽ tranh màu nước cơ bản
Những bức vẽ màu nước áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, tuy nhiên dưới đây là những kỹ thuật cơ bản nhất mà các họa sĩ cần phải nắm vững:
Kỹ thuật vẽ chồng lớp màu nước
Kỹ thuật chồng lớp là vẽ phủ một lớp màu mỏng này lên một lớp khu vực màu rộng khác. Kỹ thuật này giúp tạo chiều sâu cho bức tranh đồng thời giúp các chi tiết được khắc họa rõ hơn. Khi áp dụng kỹ thuật vẽ chồng lớp cần lưu ý chờ cho lớp màu trước khô rồi mới đổ lớp màu mới lên.
Màu vẽ cần được phủ một cách nhẹ nhàng, có cân chỉnh thích hợp. Bạn không nên đưa cọ quá nhiều lần ở cùng một vị trí. Điều này có thể khiến bức tranh thiếu đi sự tự nhiên đồng thời làm sờn bề mặt giấy vẽ, bong tróc các lớp sơn màu cũ.
Kỹ thuật vẽ màu nước ướt trên ướt
Đây cũng là kỹ thuật đặc trưng của tranh vẽ màu nước. Kỹ thuật này sẽ tạo ra hiệu ứng lớp màu nhòe tan trên mặt giấy tạo ra độ mờ ảo, bí ẩn cho bức vẽ. Họa sĩ sẽ phải thực hiện vẽ trên nền giấy ẩm hoặc bị làm ướt tùy theo độ loang mong muốn của màu vẽ.
Người vẽ dùng bút lông đầu vuông quét nước lên mặt giấy nhẹ nhàng chỉ một lần duy nhất. Nếu quét quá nhiều nước giấy sẽ bị sờn rách. Khi vẽ màu có thể nghiêng bảng vẽ để chỉnh hướng chảy của màu vẽ.
Kỹ thuật vẽ bút khô
Đối với kỹ thuật này, người vẽ phải chờ đầu bút hơi khô sau đó vẽ trên nền giấy khô để tạo ra các nét vẽ xước, mạnh mẽ, thô ráp. Kỹ thuật này giúp bức tranh trở nên gai góc hơn. Tuy nhiên chỉ có thể vẽ bút khô hiệu quả nhất là trên nên giấy vân cold press hoặc giấy rough.
Kỹ thuật Spray Techniques
Trong kỹ thuật này, người họa sĩ cần trộn màu vẽ với một lượng nước phù hợp rồi sau đó dùng đầu ngón tay chấm vào màu pha để vuốt nhẹ bút lông. Búng đầu cọ để màu tung lên khắp trang giấy. Kỹ thuật này tương đối khó nên người vẽ cần phải luyện tập trước trên nền giấy trắng để kiểm soát lượng màu tung ra. Sau đó có thể thực hiện kỹ thuật trên giấy ướt, giấy khô…
Kỹ thuật nâng màu nước
Người vẽ dùng cọ hoặc giấy ướt thấm ẩm vừa phải sau đó chùi nhẹ lên phần màu đã tô trên bức tranh. Kỹ thuật này sẽ tạo ra các hiệu ứng sương mù, mây mưa hoặc các tia nắng nhạt lên bức tranh phong cảnh.
Kỹ thuật Edge softening
Nếu bạn cảm thấy những đường nét trong bức tranh mình vừa vẽ hơi khô cứng, không được mềm mại thì có thể dùng kỹ thuật Edge softening để sửa chữa. Bạn cần làm ẩm cọ sau đó tô dọc lên những đường nét muốn làm mềm. Có thể vẽ thêm màu lên phần mới tô ẩm. Kỹ thuật này cũng giúp bức tranh trở nên u buồn hơn phù hợp với trường phái tranh ấn tượng.
Các bước vẽ tranh màu nước cơ bản nhất
Nếu bạn muốn học vẽ một bức tranh bằng màu nước cơ bản, hãy tuân thủ theo các bước sau:
- Bước 1: Dựng hình khối của bức tranh bằng bút chì, lưu ý nên dựng tổng thể tranh bằng hình lớn. Đối với các tiểu tiết của bức tranh thì nên vẽ bằng màu một cách nhẹ nhàng tránh để nát giấy. Chú ý nên vẽ khái quát bức tranh bằng màu đơn tông. Dựa trên ý tưởng chính của bức tranh thì người vẽ hãy chọn những tông màu phù hợp nhất.
- Bước 2: Làm ẩm cọ và điều chỉnh lớp lót tổng thể màu tranh. Bạn nên thực hiện vẽ tranh theo tông từ nhạt tới đậm, từ sáng đến màu trầm tối, vẽ cảnh từ xa tới gần.
- Bước 3: Bố trí lên màu ở những vùng chi tiết trong bức tranh, áp dụng kỹ thuật ướt trên ướt để vẽ những đường nét giáp ranh sao cho mềm mại.
- Bước 4: Vẽ hoàn thiện phần nền tranh, lên các sắc độ màu sao cho phù hợp. Kéo màu ở những vật thể chính trong tranh với các phần tiếp giáp để tạo ra sự liên kết.
Lưu ý khi vẽ tranh màu nước
Bất cứ người nào yêu mến nghệ thuật đều có thể học vẽ tranh màu nước tuy nhiên vẫn có những điều cần phải lưu ý khi học vẽ như:
-
Đối với các học viên mới bắt đầu làm quen với học vẽ thì nên tìm các lớp học uy tín, có thầy cô giáo giỏi nhiệt tình.
-
Màu nước có thể vẽ trên bất cứ loại giấy nào nhưng để bức tranh đẹp hơn thì nên dùng giấy chuyên nghiệp có lớp keo phủ trên bề mặt, thường có gelatine. Loại giấy này giúp màu vẽ giữ được sự trong trẻo, bức tranh không bị nhăn. Giấy chuyên dụng cũng giúp tuổi thọ tranh được bền lâu.
-
Bút lông tự nhiên làm từ lông ngựa, lông chồn, lông dê sẽ là các loại bút tốt nhất. Tuy nhiên để tiết kiệm chi phí thì người học vẽ nghiệp dư có thể chọn bút lông nhân tạo.
-
Bút lông vẽ tranh màu nước cần được bảo quản đúng cách để giữ được độ bền. Sau khi vẽ xong bạn hãy dùng giấy ăn, vải mềm hoặc miếng bọt biển sạch chuốt nhẹ đầu bút hoặc có thể rửa qua bằng dầu gội, xà bông rồi tráng qua nước sạch.
-
Nên tránh để màu khô rồi thấm vào trong gốc bút. Không nên dùng nước quá nóng để rửa đầu bút vì sẽ làm các sợi lông có thể xơ, các loại lông mềm cũng có thể bị gãy. Nên để bút được phơi khô tự nhiên, không nên sấy nóng đầu bút.
-
Khi sửa tranh vẽ màu nước cần hết sức thận trọng vì nếu giấy kém chất lượng thì có thể làm bề mặt tranh bị sờn.
Tranh màu nước là một vật trang trí tuyệt vời dành cho bất cứ không gian nhà riêng văn phòng nào. Việc học vẽ tranh bằng màu nước cũng mang đến cảm giác thư giãn sau những giờ phút học tập, làm việc căng thẳng, mệt mỏi.