Napoleon Crossing the Alps – JACQUES-LOUIS DAVID (1748-1825)

Napoleon Crossing the Alps – JACQUES-LOUIS DAVID (1748-1825)

Napoleon vượt dãy Alphs là một tác phẩm thuộc trường phái tân cổ điển được danh hoạ Jacques-Louis David sáng tác khoảng năm 1801 đến 1805. Tác phẩm có ba phiên bản, bức Napoleon mặc chiếc áo choàng đỏ dưới đây là phiên bản thứ 3 và cũng là phiên bản cuối cùng.

Một số người cho rằng bức tranh cứng nhắc và thiếu sức sống – bằng chứng cho sự kém cỏi của David trong việc nắm bắt khoảnh khắc. Số khác cho rằng đây không được coi như nghệ thuật mà chỉ là một lời tuyên truyền, thuần túy và đơn giản. Vài người cười thầm trước sự trịnh trọng phóng đại, phấn khởi và hào hứng của bức tranh, thật giống với câu nói “Hi ho Silver, away!”. Những người còn lại cho rằng nó giống như khởi đầu của sự tàn lụi trong sự nghiệp của David, trước khi ông chính thức trở thành họa sĩ tư của Napoleon. Dù người ta có nói bất kì điều gì (và rất nhiều trong số đó là lời bình luận về tác phẩm Napoleon Crossing the Alps), nó vẫn được cho là bức chân dung về Napoleon Bonaparte thành công nhất từng được vẽ.

Bối cảnh

Được hoàn thiện trong bốn tháng, kéo dài từ tháng 10 năm 1800 đến tháng 1 năm 1801, tác phẩm mang thông điệp về sự khởi đầu của thế kỷ mới. Sau một thập kỷ hậu Cách mạng của sự khủng bố và thiếu chắc chắn, Pháp một lần nữa nổi lên như một đất nước hùng mạnh. Trung tâm của sự hồi sinh này, đương nhiên, thuộc về nhà quân sự Napoleon Bonaparte – người đã lãnh đạo cuộc đảo chính chống lại Ủy ban Đốc chính năm 1799, tự xưng là Tổng tài thứ nhất, và trở thành người quyền lực nhất nước Pháp bấy giờ (vài năm sau ông xưng Hoàng đế).

Tháng 5 năm 1800, ông chỉ huy đội quân của mình vượt qua dãy núi Alps trong cuộc chiến quân sự chống lại đội quân Áo và giành chiến thắng vào tháng 6 với trận Marengo. Napoleon Crossing the Alps là tác phẩm kỷ niệm chiến thắng này. Bức chân dung được đặt hàng bởi Charles IV, sau đó là vua nước Tây Ban Nha, để trưng bày tại phòng tranh về những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại trong cung điện hoàng gia ở Madrid.

Napoleon và bức chân dung

Napoleon chỉ hỗ trợ David một chút trong quá trình thực hiện tác phẩm. Ngài từ chối ngồi yên và cho rằng: “Không ai biết bức chân dung của những vị lãnh tụ có thật sự giống với họ hay không, sự tài ba của họ hiện thân trong đó là đủ.” David phải sử dụng bức chân dung có từ trước của Napoleon và quân phục mà ngài mặc trong trận Marengo để vẽ . Một trong số những người con trai của họa sĩ đã làm mẫu cho ông, mặc bộ trang phục và ngồi trên một cái thang. Đây rất có thể là lời lý giải cho hình thể trẻ trung của nhân vật.

Tuy nhiên Napoleon không hoàn toàn tách biệt khỏi quá trình sáng tạo tác phẩm. Ngài chính là người đề xuất ý tưởng bức chân dung cưỡi ngựa với chỉ dẫn: “calme sur un cheval fougueux” (tạm dịch: bình thản trên một con ngựa dũng mãnh). Và David đã tuân theo. Rốt cuộc, còn cách nào tốt hơn để chứng minh khả năng lãnh đạo của Napoleon là óc phán đoán và sự điềm tĩnh? Sự thật – Napoleon không dẫn đầu đội quân vượt dãy Alps mà ngài theo sau họ vài ngày, đi một con đường hẹp trên lưng một con la – không phải là vấn đề!

Mô tả

Giống như nhiều bức chân dung cưỡi ngựa khác – một thể loại được yêu thích bởi hoàng gia – Napoleon Crossing the Alps là một bức chân dung của quyền lực. Napoleon được khắc họa đang cưỡi trên lưng trên một con ngựa nuôi giống Ả Rập. Đằng sau ngài, về phía bên trái, chúng ta có thể thấy một ngọn núi, trong khi nền xung quanh, được che phủ phần lớn là đá, đội quân Pháp đang kéo theo một khẩu đại bác lớn và xa xa chính là tricolore – quốc kỳ của Pháp.

Bàn tay phải không đeo găng của Bonaparte hướng lên đỉnh núi vô hình khiến người xem phải dõi theo, thay vì nhìn về những người lính ở phía xa. Hình ảnh cánh tay giơ cao thường được tìm thấy trong các tác phẩm của David, có mối liên hệ vật lý với khung cảnh, chẳng hạn như độ dốc của sườn núi. Cùng với đường kẻ của áo choàng, tất cả tạo ra một loạt các đường chéo đối trọng với các đám mây ở bên phải. Hiệu quả tổng thể là để ổn định hình thể của Napoleon.

Phong cảnh được coi như một thứ phông nền làm tôn lên người hùng, thay vì đóng vai trò là một chủ thể. Ví dụ, trên tảng đá phía dưới bên trái, tên của Napoleon được khắc bên cạnh tên của Hannibal và Charlemagne – hai nhân vật đáng chú ý khác đã dẫn quân Pháp vượt qua dãy Alps. Sau đó, David sử dụng phong cảnh để củng cố những gì ông muốn truyền tải về chủ đề của mình. Xét riêng về quy mô, Napoleon và con ngựa của ngài chiếm ưu thế. Nói thêm về vấn đề này, nếu với cánh tay dang rộng và chiếc áo choàng phấp phới đó, cơ thể ngài dường như phản chiếu lên cảnh vật, thì ngược lại, phong cảnh cũng vang vọng lại ngài, và cuối cùng bị làm chủ hoàn toàn bởi Napoleon. David dường như gợi ý rằng người đàn ông này, người có công lao sẽ còn được tôn vinh trong nhiều thế kỷ tới, có thể làm bất cứ điều gì.

Napoleon rõ ràng đã cảm thấy hài lòng. Ông đã đặt hàng thêm ba phiên bản khác; phiên bản thứ năm cũng được sản xuất và lưu lại tại xưởng của David. Các tác phẩm phản ánh độ phủ khắp của các cuộc chinh phục châu Âu của Napoleon, một bức được treo ở Madrid, hai bức ở Paris và bức còn lại ở Milan.

Kết luận

Năm 1801, David được trao chức Họa sĩ đầu tiên của Napoleon. Người ta có thể tự hỏi ông cảm thấy thế nào về vai trò mới này. Chắc hẳn David rất thần tượng nhà lãnh đạo này. Voilà mon héros (đây là người hùng của tôi), ông nói với các học trò của mình khi vị tướng lần đầu tiên đến thăm ông tại xưởng vẽ. Và có lẽ việc giúp bảo vệ hình ảnh của Napoleon trước công chúng là niềm tự hào đối với họa sĩ. Đáng chú ý, ông còn ký tên và ghi ngày tháng của Napoleon Crossing the Alps trên yếm của con ngựa, một thiết bị dùng để giữ chiếc yên cố định tại chỗ. Tuy nhiên, chiếc yếm cũng đóng vai trò như một sự giam hãm, chẳng hạn như trong các sản phẩm sau này, ví dụ hư trong tác phẩm The Coronation of Napoleon, người ta tự hỏi liệu óc thiên tài sáng tạo của David có bị hạn chế do sự bảo trợ của Napoleon hay không.

Tuy nhiên, trong Napoleon Crossing the Alps, ta không thể phủ nhận điểm sáng vẫn còn đó, hết sức phù hợp với định hướng nghệ thuật của họa sĩ vào thời điểm ấy: “sự trở lại của nền văn hóa Hy Lạp thuần túy”. Trong tác phẩm, ông tạo ra hình ảnh nguyên mẫu của một anh hùng trong mọi thời đại, loại mà người ta tìm thấy trên huy chương và đồng xu, có thể nhận ra ngay lập tức và có khả năng tái tạo vô hạn.

Nguồn: Smarthistory

Dịch bởi Abilene bên trang AlmonBlossom1101

Xếp hạng post
Bình luận (0 bình luận)

x
Sản phẩm được tặng khi đạt ngưỡng 1.500.000
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc - 30x45cm - 176.000
Zalo BroCanvas
Zalo Tư Vấn
Gọi điện BroCanvas
Gọi điện
Nhắn tin BroCanvas
Nhắn tin
Khuyến mãi BroCanvas
Sale 50%