Giải nghĩa bức tranh The Art of Painting của danh họa Jan Vermeer

Giải nghĩa bức tranh The Art of Painting của danh họa Jan Vermeer

Bức tranh The Art of Painting (tên tiếng Hà Lan: De Schilderkonst), còn được biết đến với tên gọi The Artist in His Studio hay The Allegory of Painting, là một bức tranh sinh hoạt nổi tiếng, tiêu biểu cho chủ nghĩa Hiện thực của danh họa Johannes (Jan) Vermeer. Người ta thực sự tin rằng The Art of Painting là một biểu tượng toàn diện, thể hiện góc nhìn về nghệ thuật hội họa cũng như vai trò của nghệ sĩ trong xã hội. Đồng thời cũng có thể là một bức chân dung Vermeer tự vẽ mình khi đang làm việc, chính vì vậy tác phẩm này có rất nhiều tên gọi. Tháng 11 năm 1940, bức tranh được Bá tước Jaromir Czernin bán cho lãnh tụ Đức Quốc Xã – Adoft Hilter với giá 1.65 triệu Reichsmark. Sau chiến tranh thế giới, tác phẩm chiếm giữ bởi người Mỹ được trao lại cho chính phủ Áo, hiện được lưu giữ lại bảo tàng Kunsthistorisches tại thủ đô Vienna (Áo). Điều đáng ngạc nhiên ở đây là dường như Vermeer đã luôn yêu thích bức hoạ. Dù là một ví dụ điển hình cho phong cách Baroque Hà Lan ông theo đuổi, thế nhưng tác phẩm hiếm khi được đánh giá cao như những kiệt tác khác của Vermeer. Minh chứng cho điều đó chính là việc Pieter de Hooch (1629-1684) – một họa sĩ Hà Lan cùng thời với Vermeer đã bị nhầm là tác giả của The Art of Painting trong nhiều năm.

Giải nghĩa bức tranh The Art of Painting của danh họa Jan Vermeer

Bố cục tác phẩm

Bức tranh là tác phẩm có kích thước lớn nhất của danh họa (cỡ 1.2×0.91m), mang tính biểu tượng hoặc khả năng cao hơn là sự tán dương dành cho nghệ thuật hội hoạ. Dù với ý nghĩa nào, khung cảnh đậm chất sân khấu cũng được làm nổi bật nhờ hình ảnh tấm màn kéo về bên trái như đang dần tiết lộ màn trình diễn phía sau. Tiếp tục nhìn vượt lên xa hơn, ta có thể thấy hình ảnh vị hoạ sĩ quay lưng lại với người xem, đang hoàn thiện bức vẽ cô gái ngồi trước mặt. Căn phòng đầy ánh sáng được bày trí thanh lịch hơn nhiều những xưởng vẽ thường thấy, với đèn chùm bằng vàng, nội thất cao cấp và đá cẩm thạch lát sàn.

Biểu tượng và ý nghĩa

Những người sống tại thời bấy giờ có thể lập tức nhận ra điểm tương đồng giữa người mẫu trong tranh và nữ thần Clio (một trong chín nàng thơ Muses đại diện cho nghệ thuật và triết học trong thần thoại Hy Lạp) qua bộ trang phục. Cô được khắc họa chính xác như mô tả của Cesare Ripa trong “ Iconologia” – một cuốn sách rất nổi tiếng về các biểu tượng và hiện thân của nghệ thuật. Cuốn sách có bản dịch tiếng Hà Lan do Dirck Pietersz Pers thực hiện, lần đầu xuất bản vào năm 1644. Dù Vermeer không sở hữu ấn phẩm, ông hẳn vẫn biết rõ quyển sách này. Nàng Clio được khắc hoạ với chiếc vương miện nguyệt quế, mang theo cuốn sách của Thucydides và một chiếc kèn (tượng trưng cho danh tiếng), trong khi người họa sĩ khoác lên mình bộ trang phục rất cổ và lỗi thời. Chắc hẳn Vermeer muốn gửi gắm vào đây thông điệp: “Hội họa cũng có giá trị như văn thơ hay triết học. Và quan trọng hơn hết, bức tranh có thể đại diện cho bất kì sự hiện hữu nào trong lịch sử thế giới, dù có thật hay là do trí tưởng tượng của con người.” Cụ thể hơn, tác phẩm hội họa hoàn toàn có thể đánh lừa thị giác con người, khiến ta thấy được không gian ba chiều (3D) nhờ cách vẽ phối cảnh (linear perspective) và việc ứng dụng sự tương phản mạnh mẽ giữa ánh sáng và bóng tối (chiaroscuro).

Tất cả những giá trị nghệ thuật trên đều là nỗ lực của Vermeer để trả lời cho một câu hỏi luôn hiện hữu và gây tranh luận giữa những họa sĩ, nhà điêu khắc và giới viết văn: “Vị trí thực sự của các danh họa trong xã hội là gì?”. Liệu họ có phải thợ thủ công giống như thợ mộc, thợ kim hoàn, thợ xây hay họ là những con người với óc sáng tạo như những nhà thơ, kiến trúc sư, kỹ sư và nhà triết học? Vermeer (và cả những họa sĩ theo trường phái Hiện thực Hà Lan khác – ví dụ như danh hoạ tài hoa Samuel van Hoogstraten (1627-1678)) cho rằng: Hội họa cũng giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, có khả năng truyền đạt lại các giá trị hữu hình và lôi cuốn thị giác nhờ những ảo ảnh đa chiều, màu sắc.

Tô điểm cho đèn chùm bằng vàng là hình ảnh chim đại bàng hai đầu, biểu tượng chính thức của Đế quốc Áo – những người trị vì cũ của Hà Lan. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng chùm đèn thể hiện cho Công giáo và việc thiếu đi những ngọn nến minh họa cho sự đàn áp của đạo Tin lành. Thế nhưng trong bất kì trường hợp nào, chiếc đèn chùm cũng đại diện cho sự hiện diện của Chúa, cũng giống như cách người Do Thái coi chiếc mũ của họ như sự tồn tại của đấng tối cao.

Tấm bản đồ được treo phía sau có một vết rách tượng trưng cho sự chia cắt giữa Cộng hòa Hà Lan ở phía Bắc và các tỉnh Flemish (1) do gia tộc Habsburg cai trị ở phía Nam (lưu ý: như thông lệ, đỉnh của bản đồ chỉ hướng Tây). Nhìn chung, tấm bản đồ giải thích cho danh tiếng của người họa sĩ có thể rộng lớn đến mức nào – từ Antwerp đến Amsterdam, lan ra tới tất cả các trường học về Hội họa trường phái Hiện thực Hà Lan (Dutch Realism) bao gồm Utrecht, Haarlem, Leiden, Dordrecht và Delft. Những đồ nội thất sang trọng khác chỉ tượng trưng cho sự phồn thịnh về vật chất mà người họa sĩ tài ba có thể đạt được.

(1) Flemish: Những người sống ở vùng Flanders (Bỉ) nói Flemish – một biến thể của tiếng Hà Lan.

Jan Vermeer và màu sắc

Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong mọi tác phẩm của Vermeer. Ông có một niềm say mê đặc biệt với màu xanh tươi mát tự nhiên từ đá Thanh Kim (Lapis Lazuli). Loại màu này đã từng (và vẫn luôn) là một trong những chất màu đắt nhất trên thế giới. Cách mà người họa sĩ có thể chi trả cho màu xanh lam này sau “năm thảm họa” 1672 (sự kiện Rampjaar), vẫn luôn là một ẩn số. Có người cho rằng một nhà sưu tầm đã cung cấp cho Vermeer, khả năng cao đó là Pieter van Ruijven – bố vợ của Jacob Dissius (Dissius đã tổ chức một buổi đấu giá lớn với 21 tác phẩm của Vermeer ở Amsterdam vào năm 1696).

ᴛʀᴀɴsʟᴀᴛᴇᴅ ʙʏ Abilene

ᴇᴅɪᴛᴇᴅ ʙʏ Lily & Marguerite

Bình luận (11 bình luận)

  1. My Ke

    Bài viết rất thông tin và chi tiết, mang lại cái nhìn sâu sắc về bức tranh “The Art of Painting” của danh họa Jan Vermeer. Tác giả đã minh bạch giải thích về bố cục và biểu tượng trong tác phẩm, giúp người đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa và khía cạnh nghệ thuật của bức tranh.
    Điều tôi thực sự thích là phần lịch sử của bức tranh – từ việc nó đã từng thuộc sở hữu của Hitler đến nơi nó được lưu giữ hiện tại. Thông tin này không chỉ tạo nên một cuộc phiêu lưu lịch sử cho người đọc mà còn chứng minh tầm quan trọng của bức tranh trong nghệ thuật và lịch sử.
    Bài viết cũng thảo luận về cách Vermeer có thể đã tự vẽ mình trong tác phẩm, đây là một điểm nhấn thú vị và mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về tác gia và quan điểm nghệ thuật của ông.
    Tôi rất mong đọc thêm nhiều bài viết khám phá nghệ thuật như thế này từ BroCanvas. Cảm ơn bạn đã chia sẻ kiến thức quý giá này!

x
Sản phẩm được tặng khi đạt ngưỡng 1.500.000
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc - 30x45cm - 176.000