The Scream của danh hoạ người Na Uy, Edward Munch, là một trong những tác phẩm có sức sống lâu bền và được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử hội họa hiện đại. Sự nổi tiếng của bức tranh không hẳn là do thủ pháp nghệ thuật mà ở tính biểu tượng của nó khi mô tả nỗi đau nội tại của con người trong cơn khủng hoảng hiện sinh.
Trên nền bầu trời cam đỏ và dòng sông xanh đen như mực là một nhân vật phi giới tính, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt kinh hoàng. Đôi mắt trợn trắng và hai má hõm sâu khiến tổng thể con người giống như một bộ xương, hoàn toàn không có sức sống. Trong không gian méo mó ấy, nhân vật dường như đang phải chịu đựng một nỗi thống khổ tột cùng, nỗi đau không thể diễn tả bằng từ ngữ mà chỉ có thể bật ra bằng tiếng thét.
Tuy nhiên, phía xa là những con thuyền vẫn đang trôi lặng lẽ trên sông. Sau lưng chủ thể chính là hai lữ khách đang tản bộ trên cầu. Họ đang tận hưởng một buổi hoàng hôn bình yên và dường như không ai nhận ra trạng thái kích động của người đó.
Điều khiến tác phẩm vượt ra khỏi ngưỡng của nghệ thuật hàn lâm và trở thành một phần của văn hóa đại chúng là sự lo âu và trầm uất, những sản phẩm phụ của cuộc sống thời hiện đại. Phần lớn những người trưởng thành đều có thể nhận ra bản thân trong nhân vật đang hét, đặc biệt là trong những thời điểm bất ổn của cuộc đời. Ta đột nhiên trở nên mệt mỏi, lo lắng, ngột ngạt, dường như cả thế giới ập lên ta cùng một lúc. Có quá nhiều sự rối loạn đến mức muốn bùng nổ từ bên trong, nhưng giống như người đang hét, ta chỉ có thể chịu đụng một mình.
Bài viết liên quan
Credit: Thảo Nguyên từ Let’s talk about Art