Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực ít người biết

Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hàng năm, người dân Việt Nam sẽ chuẩn bị sẵn những đĩa bánh trôi, bánh chay hoặc các món ăn khác tùy theo vùng miền để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này. Cùng Brocanvas.tranhtreotuong chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Hàn Thực 3/3.

Nguồn gốc Tết Hàn Thực

Theo tiếng Hán, “Hàn” có nghĩa là lạnh, “Thực” có nghĩa là ăn, do đó Tết Hàn Thực có nghĩa là tết ăn đồ lạnh. Nguồn gốc của Tết Hàn Thực đến từ một câu chuyện xa xưa tại Trung Quốc, vào thời Xuân Thu (770-221), vua Tấn Văn Công ở nước Tấn, gặp phải cảnh lưu loạn chiến tranh, nên phải bỏ nước chạy lưu vong sang khi thì nước Tề, khi thì nước Sở. Lúc đó, có một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi đã hết lòng theo phò tá nhà vua, dâng nhiều mưu kế hay. Một ngày nọ, trên đường đi chạy nạn, lương thực đã hết, Giới Tử Thôi đành cắt một miếng thịt đùi nấu dâng lên cho nhà vua ăn tạm cho đỡ đói. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết chuyện, bèn cảm kích vô cùng

Tết Hàn Thực 3 tháng 3 hằng năm
Tết Hàn Thực 3 tháng 3 hằng năm.

Giới Tử Thôi theo vua Tấn Văn Công phò tá trong 19 năm ròng rã, cùng nhà vua nếm mật nằm gai cho đến khi đức vua lấy lại đất nước. Sau ngày khi Tấn Văn Công trở lại làm vua nước Tấn đã phong thưởng hậu hĩnh cho những người đã theo hầu phò tá năm xưa. Tuy nhiên, Giới Tử Thôi không màng danh lợi đã đưa mẹ về quê ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ tới Giới Tử Thôi, liền cho người đi tìm nhưng ông từ chối về kinh lĩnh thưởng, nhận chức quan. Tấn Văn Công vì muốn ép Tử Thôi quay về đã ra lệnh đốt rừng nơi hai mẹ con ông sinh sống. Không ngờ, Tử Thôi quyết chí nên đã cùng mẹ chết cháy trong rừng.

Nhà vua hối hận về sự việc đã xảy ra nên đã cho lập miếu thờ. Đến ngày 3/3 hàng năm, vua cho tưởng niệm ngày mất của 2 mẹ con Tử Thôi bằng cách lệnh cho người dân không được dùng lửa nấu ăn, chỉ được làm cỗ cúng từ hôm trước và chỉ được ăn đồ nguội ngày hôm đó. Đây là nguồn gốc của ngày Tết Hàn thực.

Ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực trong tín ngưỡng người Việt Nam

Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn Thực của người Việt vẫn có những sắc thái riêng biệt, mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết Hàn Thực tại Việt Nam có ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến công ơn của các bậc tiền nhân đối với đất nước.

Tết Hàn Thực rất có ý nghĩa trong tín ngưỡng người Việt
Tết Hàn Thực rất có ý nghĩa trong tín ngưỡng người Việt.

Vào ngày ngày, các gia đình thường quây quần để thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh trôi, bánh chay, uống trà mạn để ôn lại câu chuyện xưa cũ của dân tộc. Món bánh trôi trong mâm cúng Tết Hàn Thực là nhắc về sự tích “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết. Tết Hàn Thực còn là sự mong cầu của người dân về một mùa hè không quá nóng bức, thời tiết thuận hòa, cây cối phát triển tươi tốt.

Những món ăn phổ biến trong Tết Hàn Thực

Tùy theo phong tục từng vùng miền, các món ăn trong ngày Tết Hàn Thực sẽ khác nhau. Dưới đây là những món ăn phổ biến nhất trong ngày Tết Hàn Thực:

Xem thêm: Lễ Thất Tịch Là Gì – Sự Tích Ngưu Lang Chức Nữ

Bánh trôi

Nhắc đến Tết Hàn Thực không thể nhắc đến món bánh trôi. Bánh có hình tròn, nhỏ xinh, làm từ bột nếp cái hoa vàng và đường phên. Bột làm bánh pha theo tỷ lệ 8 bột nếp – 2 bột gạo tẻ hòa với một chút nước nặn thành những viên tròn bao quanh một viên đường phên vuông vức cắt hạt lựu.

Bánh trôi là món ăn quen thuộc trong ngày Hàn Thực
Bánh trôi là món ăn quen thuộc trong ngày Hàn Thực.

Bánh sau khi nặn xong thả vào luộc trong nước sôi cho đến khi nổi lên là chín, có thể vớt ra ngay và phủ lên bằng vừng trắng cho đẹp mắt. Ngày nay bánh trôi được biến tấu pha thêm màu nhuộm từ hoa đậu biếc, gấc, lá dứa, khoai lang để tạo thành những viên bánh nhiều màu sắc vô cùng hấp dẫn và thơm ngon.

Bánh chay

Bánh chay cũng làm từ bột gạo nếp như bánh trôi nhưng có kích thước lớn hơn, nhân làm từ đậu xanh nấu chín đồ nhuyễn, trộn cùng đường cát và dừa nạo. Ngoài ra món bánh này cũng thể biến tấu với nhân khoai lang, bí đỏ, đậu đỏ hoặc vừng đen lạ miệng…

Bánh chay thanh mát dễ ăn
Bánh chay thanh mát dễ ăn.

Bánh sẽ được chan với nước chè nấu từ bột sắn hoặc bột đao và đường, hòa thêm chút nước hoa bưởi cho thơm mát, sau đó rắc vừng rang lên rồi thưởng thức. Món ăn này thanh đạm, dễ ăn rất được nhiều người yêu thích.

Bánh quả nhót

Ngoài bánh trôi, bánh chay thì bánh quả nhót cũng là món ăn quen thuộc của nhiều người trong ngày Tết Hàn thực. Bánh làm từ bột nếp nhưng không có nhân, được nặn tạo hình thành quả nhót và luộc chín. Sau khi bánh chín thì đảo qua với mật và rắc lạc bên ngoài. Món bánh này rất dễ ăn và đặc biệt được nhiều em nhỏ yêu thích vì vị ngọt thanh dễ chịu.

Bánh quả nhót là món ăn khá phổ biến trong ngày Tết Hàn Thực
Bánh quả nhót là món ăn khá phổ biến trong ngày Tết Hàn Thực.

Bánh xuân thái

Vào thời Trần và thời Lý, người Việt không ăn bánh trôi bánh chay vào ngày Tết Hàn Thực mà ăn món bánh cuốn. Vì thế đây cũng là món ăn được yêu thích trong ngày Tết Hàn Thực. Trong bánh này không có nhân thịt, mộc nhĩ hay trứng như bánh truyền thống thường thấy mà có nhân thịt và rau xanh, sau đó cuốn tròn lại. Đây là lý do vì sao bánh có tên “xuân thái”( thái nghĩa là rau). Bánh có hình dáng gần giống với bánh cuốn ngày nay, vì thế mọi người cũng có thể làm bánh cuốn thịt truyền thống để thưởng thức trong ngày này.

bánh xuân thái
bánh xuân thái.

Xôi chè

Xôi chè cũng là món ăn xuất hiện trong mâm cúng của nhiều gia đình Việt trong ngày Tết Hàn Thực 3/3. Món này bao gồm từ xôi đỗ xanh hòa trộn cùng đường, bột sắn dây nấu sánh ăn chung với nhau. Vị ngọt dịu của đường, vị dẻo thơm của xôi đậu xanh và bùi của đậu xanh vô cùng cuốn hút.

Những điều nên làm trong ngày Tết Hàn Thực

Nhiều người tin rằng nếu làm những việc này trong ngày Tết Hàn Thực thì cả năm sẽ gặp may mắn:

Mâm bánh cúng tết hàn thực
Mâm bánh cúng tết hàn thực.
  • Đi tảo mộ: Ngày 3/3 là ngày ghi nhớ công ơn của bậc tiền nhân vì thế đi tảo mộ là hoạt động không thể thiếu trong ngày này.
  • Chuẩn bị mâm cúng thành tâm với các món bánh trôi, bánh chay và các món ăn nhẹ, hoa quả khác tùy theo từng gia đình.
  • Trang nghiêm khi dâng mâm cúng lên bàn thờ tổ tiên.

Những điều không nên làm trong ngày Tết Hàn Thực

Ngày Tết Hàn Thực có một vài điều kiêng kỵ mà có thể nhiều người không biết như :

Kiêng ăn mặn

Là ngày lễ ăn đồ lạnh và tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên nêu nhiều gia đình sẽ kiêng sát sinh, ăn thức ăn mặn. Điều này giúp linh hồn của người đã khuất có thể siêu thoát và cũng tâm hồn của những người ở lại có thể thanh thản. Vào ngày này, nhiều gia đình cũng kiêng tổ chức cỗ bàn linh đình mà chỉ ăn những món đơn giản.

Kiêng chuyển nhà

Kiêng chuyển nhà trong ngày 3 tháng 3
Kiêng chuyển nhà trong ngày 3 tháng 3.

Ngày 3/3 âm lịch, người dân Việt Nam kiêng không chuyển nhà, văn phòng. Lý do là bởi trong ngày này vong linh của người đã khuất sẽ theo sát những người trên dương thế. Nếu chuyển nhà, thay đổi chỗ ở sẽ làm vong linh của người đã mất bị xáo trộn.

Tránh nói những điều không hay

Đại kỵ trong ngày Tết Hàn thực là chửi tục, nói bậy, cãi vã, tranh chấp với người thân, bạn bè hoặc bất cứ ai khác. Dù có bất cứ vấn đề gì mọi người cũng nên bình tĩnh, cùng nói chuyện thảo luận với đối phương để tìm ra phương án giải quyết nhẹ nhàng nhất. Ngoài ra, trong ngày này cũng tránh nên nói ra những điều xui xẻo.

những chiếc bánh trôi sặc sỡ ngày tết hàn thực
những chiếc bánh trôi sặc sỡ ngày tết hàn thực.

Thông tin trên đây của Brocanvas chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngày Tết Hàn Thực – một ngày Tết quan trọng trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Đây là ngày để thưởng thức những món ăn ngon cùng gia đình và trò chuyện về những chuyện xưa cũ đã qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *