DANH MỤC

SALVADOR DALÍ: KHI THỰC TẠI TAN CHẢY

SALVADOR DALÍ: KHI THỰC TẠI TAN CHẢY

Con đường hoàng đạo để thâm nhập vào thế giới nghịch dị của Salvador Dalí (1904 – 1989), không phải là đời tư lập dị của ông, ít nhiều cũng chẳng phải thiên hướng chính trị và tôn giáo, bởi chúng chỉ là những thuộc tính tham gia tác động tới một não trạng dị biệt của hội họa thế giới thế kỷ XX. Tất thảy chúng đều đã được biểu kiến trong tranh, và không một dẫn nhập nào lý tưởng với người thưởng ngoạn hơn Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory, 1931). Một bức tranh phong cảnh, nhưng là phong cảnh siêu thực, phân cực giữa thực và ảo. Cực thực với phối cảnh xa gần, đường chân trời, trật tự đá tự nhiên ở hậu cảnh. Còn cực ảo là tiền cảnh với những mặt đồng hồ bóp méo, biến dạng. Đây chính là hiện thân bản thể luận của Dalí, về một thực tại khác, tan chảy, nơi giao ngộ mơ hồ giữa thực và mộng.

SALVADOR DALÍ KHI THỰC TẠI TAN CHẢY

Hiện thực là khách quan. Còn thực tại là hiện thực được chủ thể kiến tạo nên thông qua quá trình tri giác và nhận thức thế giới, bởi vậy nó chứa đựng thêm yếu tố chủ quan. Bản thân chủ nghĩa siêu thực là một phong trào tri thức, nghệ thuật và tư tưởng nhằm phá vỡ rào chắn của duy lý hóa để tiếp cận với tiềm thức sáng tạo. Nói như giáo chủ của siêu thực giáo, André Breton, nó nhằm “giải quyết trạng huống mâu thuẫn trước đây giữa giấc mơ và thực tại để biến chúng thành một thực tại tuyệt đối, một siêu-thực tại” (Manifeste du surréalisme – Tuyên ngôn siêu thực, 1924). Mối quan tâm đến mơ và thực của Dalí nói riêng và các nhà siêu thực chủ nghĩa nói chung, nhận ảnh hưởng lớn tới từ một nhà cách mạng lý thuyết khác, Sigmund Freud, ông tổ của phân tâm học. Đặc biệt là lý thuyết tiềm thức của Freud. Tiềm thức, theo Freud, là một phần của tâm trí chứa đựng toàn bộ mọi suy nghĩ và cảm xúc không lệ thuộc vào nhận thức hay kiểm soát của một cá nhân, nhưng nó lại thường xuyên tác động tới suy nghĩ và hành vi hữu thức của người này. Giấc mơ chính là những thông điệp mã hóa đến từ tiềm thức. Những họa sĩ siêu thực muốn chạm đến tận cùng tảng băng chìm này và giải mã bí ẩn muôn thuở bên trong nó.

Slave Market with the Disappearing Bust of Voltaire, 1940

Song đề mơ – thực kiến tạo nên thế giới hội họa của Dalí, tạo ra phương pháp thể họa đặc thù. Tính chất phân tâm học trong tranh của ông: thôi miên và liên tưởng tự do, vì vậy, có thể được lý giải. Ông phát triển kỹ thuật vẽ của mình với tên gọi là phương pháp hoang tưởng phê phán (Paranoiac-critical method) hay phương pháp biến đổi tới hạn của hoang tưởng (Paranoid critical transformation method). Kỹ thuật vẽ này là nhằm đạt đến trạng thái hoang tưởng và ảo giác để khám phá thế giới tiềm thức. Nguyên lý của nó, thoạt nhiên, có vẻ giống với hành vi thổ dân nguyên thủy sử dụng các chất xúc tác như rượu, cà độc dược (jimsonweed), chất kích thích chiết xuất từ búp xương rồng (peyote) để đạt đến trạng thái thăng hoa/xuất thần (ecstasy). Khác ở chỗ, Dalí không bị hoang tưởng (“Sự khác biệt duy nhất giữa một người điên và tôi, là tôi không bị điên”), nhưng có thể tự đưa mình vào trạng thái này mà không cần viện đến chất kích thích, để nhìn thấy vô số những ảnh tượng trong mơ. Khi trở về trạng thái bình thường, việc Dalí cần làm là bằng kỹ năng điêu luyện của mình đơn giản vẽ lại thứ mình đã mộng thấy. Nói khác, đây là phương thức để nhìn ra một thực tại khác, từ sự kết hợp trạng thái phi-lý tính và tri giác nhiễu loạn, méo mó. Sản phẩm nó mang lại là những ảnh tượng lấp lửng, xếp chồng, đa nghĩa, thôi miên người xem rơi vào liên tưởng tự do.

Slave Market with the Disappearing Bust of Voltaire, 1940

Chiếc chìa khóa thành công trong tranh “phong cảnh” siêu thực của Dalí, là sự khai thác hiệu quả không gian âm (negative space). Không chỉ vật thể, mà ngay cả khoảng trống bao quanh vật thể tạo nên một ảnh tượng có hiệu ứng thị giác, khởi sinh ý nghĩa. Trong bức Chợ nô lệ với tượng bán thân biến mất của Voltaire (Slave Market with the Disappearing Bust of Voltaire, 1940), Dalí vận dụng không gian âm xung quanh kết cấu người là hai nữ tu sĩ, để tạo ra một ảo ảnh thị giác mô phỏng lại bức tượng Voltaire của điêu khắc gia Pháp Jean-Antoine Houdon. Hay gương mặt người phụ nữ hiển lộ sau những bức tượng thần Vệ nữ Milo trong Đấu sĩ gây ảo giác (The Hallucinogenic Toreador, 1969 – 1970), hoặc khoảng không rợn ngợp trong Những con voi (The Elephants, 1948) là một minh chứng cho việc kiến thiết không gian âm tài tình của ông. Vậy nên tranh của Dalí luôn tạo cho người chiêm ngưỡng cảm giác như lạc vào trong một hoang mạc hay trên một hành tinh xa lạ.

Bài viết liên quan

bo tranh tung cuc truc maiv1622273970810 2023 - BroCanvas
Tranh Tùng Cúc Trúc Mai Sang Trọng Ý Nghĩa Phong Thủy Với Gia Chủ
tuyet doi absolutelyv1620549781860 2023 - BroCanvas
TUYỆT ĐỐI – ABSOLUTELY
arnolfini portrait jan van eyck 1434v1620550667587 2023 - BroCanvas
Arnolfini Portrait, Jan van Eyck, 1434
Tác phẩm Cửu ngư quần hội Họa sĩ Phạm Hậu (1903 1995)
Tác phẩm Cửu ngư quần hội Họa sĩ Phạm Hậu (1903 – 1995)
roses and anemones vincent van gogh 1890v1620549690353 2023 - BroCanvas
ROSES AND ANEMONES, VINCENT VAN GOGH, 1890
Three Sphinxes Of Bikini, 1947

Sừng sững trong tranh của Dalí là sự thống ngự của vật thể. Trong tiểu luận Những giới hạn mới của hội họa (The New Limits of Painting, 1928), Dalí tuyên bố rằng nghệ thuật tiên tiến phải hiến dâng cho cái gọi là “sự tự trị thi ca của vật thể.” Mặc dù Dalí thừa nhận mình tiếp thu ý niệm này từ Breton, nhưng sự khác biệt rõ ràng nhất giữa hai người tồn tại trong chính nội hàm khái niệm vật thể. Trong khi Breton quan niệm vật thể có ý nghĩa bởi công năng và tác động của nó tới chủ thể con người, thì Dalí cho rằng vật thể tự nó có ý nghĩa. Với ông, sự chú trọng nghệ thuật vào kinh nghiệm khách quan, cho dù nó là kinh nghiệm nội quan trong hội họa trừu tượng, hay kinh nghiệm hiện tượng học và tâm lý học trong hội họa ấn tượng và biểu hiện, tất yếu đều dẫn đến thất bại trong việc thức nhận vẻ đẹp tồn tại tự thân của thế giới, tức là nằm ngoài mối quan hệ của nó đối với chúng ta. Bởi vậy, đặc trưng hội họa siêu thực của Dalí chính là sự đề cao vật thể, sự biểu đạt ý chí của vật thể để vươn tới cái đẹp nội tại của nó. Những đồ vật sản xuất hàng loạt được sử dụng thường ngày – đối vật ưa thích của ông – như điện thoại, máy hát loa kèn, tủ lạnh, chậu rửa mặt… được giải phóng khỏi công năng của chúng, đồng nghĩa chúng đã không còn phải chịu sự lệ thuộc vào chủ thể con người, “không còn phục vụ cho bất kỳ mục đích nào cả” (nguyên văn Dalí). Do đó, sứ mệnh của người nghệ sĩ không phải là tìm lựa vật thể có thể phục tùng chủ thể một cách tốt nhất, trái lại, giải phóng vạn vật, ngay cả những vật thể nhỏ bé nhất, ra khỏi tâm trí điều khiển chúng.

The Transparent Simulacrum of the Feigned Image, 1938

Siêu thực, cùng với lập thể và Dada, phản ánh một trào lưu vận động mới trong quan niệm về thực tại của họa sĩ, đó là sự xa rời dấu vết giả tạm của hiện thực chủ nghĩa, thoát khỏi sự miêu tả trung thành thực tại. Hiển nhiên, giống như Khai sáng ở thế kỷ XVII – XVIII, sự thay đổi quan niệm này phải gắn liền với nền tảng là một cuộc cách mạng khoa học tự nhiên, nhằm tạo ra một nhận thức mới về bức tranh thế giới. Các nghệ sĩ, với bản chất nhạy cảm, là những người nhanh chóng bị tác động bởi sự mường tượng mới về thế giới này. Và người chuyển hóa nỗi ám ảnh khoa học trở thành cách biểu đạt mới về thực tại rõ ràng nhất, không ai khác ngoài Salvador Dalí. Bức Sự dai dẳng của ký ức (1931) là sự nhận thức của họa sĩ về một thế giới bốn chiều kích (hay không thời-gian liên tục, vốn bao hàm ba chiều không gian dài, rộng, cao và chiều thứ tư, thời gian) mang lại bởi thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein, chiếc đồng hồ tan chảy là biểu tượng vô thức của tính tương đối giữa không gian và thời gian, thay vì không gian và thời gian riêng biệt hoàn toàn của cơ học cổ điển. Và đến Sự phân rã của ký ức dai dẳng (The Disintegration of the Persistence of Memory, 1954) chính là rung cảm thứ hai của Dalí trước một làn sóng mới – tân vật lý, tức vật lý hạ nguyên tử, đại diện cho thế giới lượng tử tồn tại lưỡng trị cả sóng lẫn hạt. Các vật thể được phân rã trở thành các nguyên tử, lơ lửng trên phong cảnh ngập nước. Bên cạnh đó, bức tranh này cũng cho thấy sự vận động trong nội tại tâm tưởng của Dalí, bản thân niềm say mê với siêu thực của ông đã bắt đầu tan rã khi ông bị ngày một lôi cuốn bởi thế giới vật lý lượng tử đầy mâu thuẫn và kỳ quặc.

The Persistence of Memory, 1931

Tìm cách giải mã Dalí, cũng giống như tìm cách giải một khối lập phương rubik. Dù ông, cùng với René Magritte, có thể đã khai thị nhãn quan đại chúng để họ có thể tiếp nhận hội họa siêu thực. Nhưng dường như Dalí còn vượt hơn thế. Ông không còn là một họa sĩ siêu thực, ông là siêu thực. Ông không còn là một nghệ sĩ, ông là nghệ thuật. Ông không sử dụng chất kích thích, ông là chất kích thích. Không thể có sự bắt chước hay thay thế, Dalí là… Dalí.

Bài viết là một phần trong tiểu luận về hội họa phong cảnh (dự kiến), mọi người có thể đọc các phần trước về Claude Lorrain và Claude Monet

Xếp hạng post
Bình luận bài viết (0 bình luận)

Danh mục
Zalo BroCanvas
Zalo Tư Vấn
Gọi điện
Nhắn tin
Flash Sale Tranh
Giảm 50%
x
Sản phẩm được tặng khi đạt ngưỡng 500.000
Boho Art Set Of 5 Prints Bundle, Wall Decor, Matisse Printable, Van Gogh, Kandinsky, Klimt, Monet (3)
BRO6108 Tranh Treo Tường Boho Art Matisse Printable Van Gogh - 20x30cm(1) - 71.500
Sản phẩm được tặng khi đạt ngưỡng 1.200.000
THS0005 Bức Tranh Đêm Đầy Sao Họa Sĩ Van Gogh
THS0005 Bức Tranh Đêm Đầy Sao Họa Sĩ Van Gogh - 20x30cm - 71.500
Giỏ Hàng0
Không có sản phẩm trong giỏ hàng
Tiếp tục mua sắm