Arnolfini Portrait, Jan van Eyck, 1434

arnolfini portrait jan van eyck 1434v1620550667587 2024 | BroCanvas

Arnolfini Portrait, Jan van Eyck, 1434

Vào những năm 30 của thế kỷ 15, Giovanni di Nicolao Arnolfini- một thương nhân người Ý có nhu cầu muốn vẽ một bức tranh kỷ niệm giữa mình và người vợ quá cố. Jan van Eyck là người được chọn để ghi lại khoảnh khắc này. Ta có thể tạm hiểu là sự tưởng niệm dành cho Constanza Trenta, người vợ đầu của nhà buôn. Bức tranh chân dung Arnolfini còn được biết tới với tên Đám cưới Arnofini.

– Nhân vật nam chính trong tranh là Giovanni di Nicolao Arnolfini. Chúng ta có thể khẳng định danh tính của chàng chuẩn gần 100%, bởi ngoài bức này, Jan van Eyck còn vẽ cho chàng một chân dung nhỏ khác với nét tương đồng về ngoại hình như sống mũi to và mắt nhỏ như mắt lươn. Điều này bởi vì Jan tả thực hầu hết các bức vẽ của ông với sự tỉ mỉ tuyệt đối, làm Giovanni có vẻ hơi dị.Nhưng cũng nhờ những nét đặc trưng ấy mà ta có thể kết luận đây chính là cùng một người. Trong Arnolfini portrait, trang phục chàng rất xa xỉ, áo choàng nhung viền lông chồn zibelin, áo trong bằng lụa damask, cùng mũ rơm bện không thể thiếu trong mùa hè.

– Là một doanh nhân đi tàu biển nên Giovanni không mang trang sức hay gia huy như quý tộc mà chỉ đeo một cái nhẫn đơn giản và áo choàng tím, nhưng màu tím của chiếc áo choàng cho thấy khát khao quyền lực của y, đúng là một gentleman thứ thiệt. Vẻ mặt Giovanni bình thản nhưng khó đoán, đôi mắt chàng tránh nhìn trực diện vào người xem, bàn tay phải giơ lên biểu thị quyền lực gần như tư thế của Chúa khi ban phép.

– Trang phục của vợ Giovanni rất lộng lẫy gồm hai màu chủ đạo là xanh lá (màu của hy vọng, nhưng cũng biểu tượng cho sự ghen tuông) và xanh da trời (sự trong trắng, khiêm nhường.) Lông chồn ermine dày dặn và trang sức vàng tinh tế điểm tô cho nàng đẹp long lanh. Kiểu tóc hai sừng kỳ quặc trên đầu người vợ là đặc trưng cho phụ nữ có chồng ở Bắc Âu thời đó, phủ trên là dải khăn trắng tôn lên vẻ quý phái thuần khiết. Đôi mắt nàng nhìn về phía Giovanni để bày tỏ sự quy thuận chồng, nhưng không nhìn xuống đất bởi địa vị hai người là ngang hàng với nhau, đây chính là điểm khác về triết lý so với sự phân chia đẳng cấp thời Trung cổ. Bàn tay phải của nàng đặt lên cái bụng bầu to, Jan van Eyck phóng đại cơ thể người vợ để nhấn mạnh thiên chức sinh sản, duy trì nòi giống của phụ nữ ấy mà thôi, chứ cả Constanza lẫn Giovanna đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Là người đàn ông hiếm muộn, có lẽ Giovanni đã đề nghị Jan van Eyck truyền tải hình ảnh vợ mang bầu vào tranh để biểu thị ước nguyện con cái.

– Những quả cam vương vãi trên chiếc bàn là một thứ sản vật hiếm hoi đắt tiền hồi đó– chúng vừa cho thấy sự giàu có của Giovanni, vừa là một biểu tượng phồn thực.

– Ở phía người vợ, ta có chiếc giường hôn nhân màu đỏ thật “nóng bỏng”, rèm nhung đã kéo một nửa lên thật mời gọi. Trên cột gỗ đầu giường có chạm trổ hình nữ thánh Margaret – người bảo trợ cho việc sinh sản. Một chiếc chổi lông nhỏ ám chỉ bổn phận nữ công gia chánh của người đàn bà – đồng thời cũng mang nghĩa “tẩy sạch bụi trần.” Chuỗi tràng hạt lấp lánh treo bên gương nghiêm khắc nhắc nhở rằng tất cả chỉ là phù du, vậy nên người đàn bà nhớ đừng phù phiếm phấn son mà lơ đãng tấm lòng mộ đạo.

Chú chó xinh xắn dưới chân Giovanni thuộc giống chó Griffon Bruxellois thông minh và trung thành. Từ fidelity – sự chung thủy có cùng gốc với Fido – một cái tên phổ biến dành cho những chú chó thời ấy. Trong bức tranh này, chú chó vừa ẩn dụ cho tình cảm vợ chồng trước sau như một, vừa là một biểu tượng của dục vọng (loài chó thế nào thì… ai nuôi chó cũng biết rồi đấy).

Arnolfini Portrait, Jan van Eyck, 1434

– Chi tiết quan trọng nhất trong Arnolfini Portrait diễn ra ở chính giữa bức tranh. Giovanni và vợ nắm tay nhau – bàn tay người chồng ở dưới nâng đỡ vợ. Ở đây hai người gắn kết với nhau không chỉ về “phần xác” mà còn cả về “phần hồn” nữa. Theo Erwin Panofsky, hành động này không chỉ là cái nắm tay đơn thuần như… dắt nhau qua đường mà là một lời thề hôn nhân có giá trị pháp lý đàng hoàng. Chả phải các đối tác khi ký kết cũng thường… bắt tay nhau đó sao? Nếu coi hôn nhân đúng như một dạng hợp đồng (hồi xưa hôn nhân vì tình yêu khá hiếm, nhất là trong tầng lớp thượng lưu) thì hành vi nắm tay này rõ ràng không chỉ “thấu tình” mà còn “đạt lý.” Chiếu thẳng lên trên theo trục đứng ta thấy một tấm gương:

Tấm gương lồi cho thấy kỹ xảo tài tình của Jan van Eyck – có thể nói đây là phần giá trị nhất trong bức tranh. Gương trong hội họa có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau: sự hữu hạn của đời người, sự trong sạch của Đức Mẹ Mary, sự chiêm nghiệm (reflection). Xung quanh tấm gương là mười bức tranh tí hon diễn tả những sự kiện trong cuộc đời Chúa Jesus: những hình ảnh phía người chồng là khi Chúa còn sống, những hình ảnh phía người vợ là khi Chúa đã chết và hồi sinh. Điều này càng làm khẳng định rõ hơn thuyết “tranh tưởng niệm người quá cố”.Như đã nói ở trên, chuỗi tràng hạt và cây chổi nhấn mạnh tính Thiên Chúa giáo đậm đặc của sự kiện – căn phòng dường như biến thành một nhà thờ tí hon, bức gương trở thành con mắt Chúa dõi theo và ban phước cho lễ cưới. Trong gương ta có thể thấy tất cả các chi tiết trong căn phòng được đảo ngược và bé xíu: khung cửa sổ với những quả cam, chiếc giường nhung đỏ, chùm đèn treo, đôi vợ chồng và hai người làm chứng. Chữ ký bay bướm phía trên tấm gương của ông chính là lời khẳng định kiêu hãnh: Johannes de eyck fuit hic 1434 (Jan van Eyck đã ở đây vào năm 1434.) Theo cách của riêng mình, Jan van Eyck đã hợp thức hoá sự kiện diễn ra trong tranh, nâng tầm Arnolfini Portrait từ một bức hoạ bình thường trở thành một văn bản pháp lý.

– Thủ pháp nghệ thuật được họa sĩ sử dụng trong bức tranh này chính chính là đối xứng và đối lập được vận dụng rất tài tình. Sự đối xứng qua gương để lồng ghép cho người xem có sự xuất hiện của họa sĩ, phản ánh chân thực cuộc sống của giới nhà giàu thời bấy giờ. Còn đối lập có thể hiểu là bức tranh như được chia làm hai với vai trò hiện hữu: bên phía Giovanni là những quả cam, cây anh đào đang trĩu quả, là đôi guốc tượng trưng cho đôi lứa có cặp, nhưng để bên góc nhà ngụ ý mọi bộn bề lo toan để ngoài cửa để lo cho gia đình; phía người vợ là hiện diện cho người phụ nữ, với chiếc giường nhung đỏ rủ, cây chổi. Cây đèn chùm bằng đồng bên trên chỉ có một cây nến đang cháy, là bên người vị hôn phu.

Bằng kỹ thuật sơn dầu chồng lớp trên gỗ sồi, Jan van Eyck đã mô tả chân thực về một gia đình giàu có thời Phục Hưng bấy giờ. Tuy cùng thời kỳ với Phục hưng ở Ý nhưng chủ đề tín ngưỡng được ông đưa vào khéo léo đầy tính hình tượng và triết lý chứ không quá nặng nề. Nhiều chi tiết về chất liệu kim loại, vải,lông, hay ánh sáng được thể hiện hoàn mỹ như đang sống trong bức tranh vậy. Có nhiều tranh cãi về nội dung nhưng quả thật đây là tác giả quan trọng bậc nhất thời kì này ở châu Âu.

Bài viết được tham khảo nguồn từ sách Story of Art, Great paintings; với hạn chế ngôn từ người viết, một số đoạn xin được giữ lại nguyên tác của Anh Nguyễn trên Soi today ngày 04/5/2016.

Bình luận (0 bình luận)

x
Sản phẩm được tặng khi đạt ngưỡng 1.500.000
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc
VP-338 Tranh Người Chiến Thắng Không Bao Giờ Bỏ Cuộc - 30x45cm - 176.000
Zalo BroCanvas
Zalo Tư Vấn
Gọi điện BroCanvas
Gọi điện
Nhắn tin BroCanvas
Nhắn tin
Khuyến mãi BroCanvas
Sale 50%